40 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TÒA ÁN NHÂN DÂN HAI CẤP TỈNH LÂM ĐỒNG (1975 – 2015)
Ngày 03-4-1975, Lâm Đồng và Tuyên Đức được giải phóng, Ủy ban quân quản các cấp được thành lập đã tập trung ổn định đời sống nhân dân, xây dựng tổ chức bộ máy, thiết lập Tòa án quân sự đặc biệt xét xử những vụ án phản cách mạng, những vụ trọng án.
Sau khi tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Lâm Đồng (cũ), tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt, ngày 16-4-1976, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Quyết định định số 07-BTP/NĐ thành lập thành lập các Tòa án tỉnh, thành phố ở miền Nam trong đó có Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Cùng với việc hình thành tổ chức bộ máy, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành tuyển dụng, đào tạo cán bộ, nhân viên, tổ chức các phiên tòa xét xử, tuyên truyền pháp luật, xây dựng tư pháp xã, tổ hòa giải cơ sở... Mặc dù còn rất nhiều khó khăn của những năm đầu sau giải phóng nhưng cán bộ, công chức Tòa án các cấp trong tỉnh đã phát huy được trí tuệ, sức mạnh tập thể, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều vụ án âm mưu lật đổ chính quyền, phản cách mạng, giết người, cướp tài sản đã được xét xử kịp thời, nghiêm minh; nhiều vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình đã được giải quyết với phương châm tăng cường hòa giải, góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Công tác xét xử đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội những năm đầu giải phóng.
Kể từ ngày thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ công chức Tòa án hai cấp tỉnh Lâm Đồng không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đảm đương được những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Từ một số ít cán bộ kháng chiến, sĩ quan quân đội, cán bộ miền Bắc chi viện hình thành khung cán bộ Tòa án các cấp, trình độ pháp lý còn nhiều hạn chế, thì đến những năm 1980 - 1990 số lượng cán bộ đã tăng lên đáng kể, nhiều cán bộ được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Những năm đầu mới thành lập, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng có các tổ xét xử, hành chính tư pháp, văn phòng - quản trị. Đến năm 1983, thành lập Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Phòng Giám đốc kiểm tra và Văn phòng. Thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, Tòa án nhân dân tỉnh có thêm Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động; từng bước thực hiện tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện theo lộ trình, đảm bảo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Hiện nay, Lâm Đồng có 12 Tòa án nhân dân cấp huyện, 7 phòng, tòa thuộc Tòa án nhân dân tỉnh, với tổng số 232 cán bộ, công chức và 31 người lao động, trong đó có 95 Thẩm phán, các Thẩm phán đều đã qua đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Về khối lượng công việc, những năm 1977 - 1985, Tòa án các cấp trong tỉnh giải quyết khoảng 300 - 500 vụ án/năm. Từ năm 1986 trở đi, nhất là giai đoạn từ những năm 2000 đến nay, tranh chấp trong nhân dân phát sinh ngày càng nhiều, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ngày càng tăng, lượng án mà các Tòa án thụ lý ngày càng nhiều hơn. Trong hơn 10 năm (2002 – 2014), Tòa án các cấp trong tỉnh Lâm Đồng thụ lý tổng cộng 58.691 vụ án các loại, nếu như trong những năm đầu của giai đoạn này trung bình hàng năm thụ lý khoảng trên dưới 3.000 vụ án các loại thì đến năm 2014 lượng án đã tăng gấp hơn 2 lần (6.419 vụ), bình quân tăng hơn 300 vụ/năm. Các Tòa án thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, áp dụng đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo xét xử án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; giải quyết các vụ án dân sự, hành chính kịp thời, đúng pháp luật, làm tốt công tác hòa giải, đối thoại, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của nhà nước, các tổ chức và cá nhân.
Ngày nay, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lâm Đồng quyết tân thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”, phát huy truyền thống, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua yêu nước; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ban biên tập